GD&TĐ - Hứa hẹn học bổng toàn phần, chương trình trao đổi quốc tế hay thậm chí lệnh bắt giữ đều là những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi nhắm đến sinh viên, đặc biệt tại các thành phố.
Sinh viên cần xem xét kỹ các văn bản thông báo học bổng và lựa chọn trung tâm du học chính thống. Ảnh minh họa: Thùy Linh
Giấc mơ du học trở thành cú lừa
Mới đây, một sinh viên năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) bị lừa 7 tỷ đồng. Nữ sinh nhận được thông báo trúng học bổng chương trình trao đổi y khoa tại Đức. Hồ sơ đi kèm có giấy mời, con dấu, chữ ký giống như thật. Để tạo thêm niềm tin, văn bản giả mạo này còn đề cập đến thông báo của Đại sứ quán Đức tại Đại học Y khoa Johannes Gutenberg Mainz (CHLB Đức) về việc Chính phủ Đức cấp các suất học bổng ngắn hạn.
Sau khi nộp lệ phí hồ sơ và một số phí xác minh, sinh viên này bị lừa chuyển tiền nhiều lần với lý do hoàn thiện hồ sơ, mua vé máy bay, xin visa khẩn. Đến khi không còn liên lạc được, cô mới vỡ lẽ mọi thứ chỉ là trò lừa được dàn dựng kỹ lưỡng.
Lại Lê Gia Hân - sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) từng nhận được email lừa đảo học bổng. Hân cho biết, trong email ghi rõ em được nhận học bổng bán phần cho một khóa học ngắn hạn về truyền thông tại Singapore, kèm theo logo của một tổ chức phi chính phủ và bản giấy mời được định dạng chỉn chu.
“Em hơi bất ngờ vì mình chưa từng đăng ký chương trình nào. Tuy nhiên, khi thấy tên trường đại học lớn ở Singapore và có dấu mộc, em bắt đầu lưỡng lự”, Hân kể. Email này còn yêu cầu Hân chuyển khoản phí xác nhận học bổng trong vòng 48 giờ để giữ suất.
Trước khi làm theo hướng dẫn, Hân đã vào website chính thức của trường và tìm hiểu về học bổng quốc tế nhưng không thấy bất kỳ thông tin nào liên quan. Đồng thời, nữ sinh tìm thêm trong nhóm Facebook sinh viên của trường thì nhận được nhiều cảnh báo đây là chiêu trò lừa đảo từng xuất hiện trước đó.
Nếu không kiểm tra lại kỹ càng, Hân đã… sập bẫy nhóm lừa đảo. Từ trải nghiệm đó, Gia Hân tin rằng việc tự kiểm chứng thông tin và hỏi ý kiến cộng đồng sinh viên là cực kỳ cần thiết trong thời buổi lừa đảo ngày càng tinh vi.
Không chỉ học bổng quốc tế, nhiều sinh viên tại các trường đại học khác cũng là nạn nhân của các chiêu thức giả mạo giấy báo dự thi, thư mời học nâng cao... “Cao tay” hơn, một số đối tượng còn giả danh cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, gọi điện qua Zoom và tuyên bố sinh viên có liên quan đến một vụ rửa tiền.
Theo ThS Trương Quang Trị - Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, gần đây nhất, một sinh viên năm nhất nhận được cuộc gọi tự xưng cán bộ công an điều tra một vụ rửa tiền xuyên quốc gia. Sinh viên được yêu cầu tham gia cuộc họp trực tuyến để làm việc, sau đó nhận được cả lệnh bắt giữ và phong tỏa tài sản. Rất may em đã trình báo kịp thời với Phòng Công tác Sinh viên và được hỗ trợ ngay, không xảy ra thiệt hại.
Ngoài ra, nhà trường cảnh báo một vụ việc khác khi sinh viên bị lừa đảo tham gia chương trình học bổng giảm học phí do doanh nghiệp tài trợ. Đối tượng lừa đảo đã gửi phiếu thu và thông báo có logo, con dấu giả danh trường, yêu cầu chuyển khoản để giữ suất. “Đây đều là hành vi lừa đảo và nhà trường đã ra thông báo chính thức, khẳng định không có bất kỳ chương trình nào như vậy được triển khai ngoài các kênh thông tin chính thống”, ông Trị cho biết.
Văn bản lừa đảo sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTTU
Phòng vệ học đường thời 4.0
Trước làn sóng lừa đảo nhắm vào sinh viên, nhiều trường đại học đã chủ động lên tiếng và triển khai các biện pháp phòng ngừa. Theo thông báo mới nhất, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không triển khai bất kỳ chương trình du học hoặc trao đổi sinh viên quốc tế. Các hoạt động liên kết với Đại học Johannes Gutenberg Mainz, CHLB Đức chỉ dành cho sinh viên các lớp thuộc Khoa Y Việt - Đức. Mọi chương trình hợp tác quốc tế được công bố trên website trường hoặc qua email có đuôi @pnt.edu.vn.
Chiều 11/6, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng phát đi cảnh báo khẩn sau khi phát hiện một số thông tin giả mạo nhà trường lan truyền trên mạng xã hội, liên quan đến các chương trình học bổng du học danh giá. Theo ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế cho hay, nhà trường chưa từng phát hành bất kỳ thông báo nào về việc sinh viên nhận học bổng như văn bản giả mạo.
Các bài đăng và thông báo này nhằm đánh lừa và trục lợi từ người học. Từ đó, ThS Ngọc đưa ra một số dấu hiệu phổ biến giúp nhận diện thông tin học bổng giả mạo trên mạng xã hội. Đầu tiên, sinh viên cần cẩn thận trước những thông tin không rõ nguồn gốc, không dẫn từ website chính thức của trường đại học, tổ chức cấp học bổng hoặc cơ quan giáo dục uy tín.
Thứ hai, các thông tin liên quan đến học phí hoặc chi phí sinh hoạt thường bị phóng đại hoặc sai lệch. Mặc dù, những con số được liệt kê cụ thể, nhưng khi đối chiếu lại với trang thông tin chính thống thì không khớp.
“Các nhân vật được nhắc đến trong bài như người từng nhận học bổng thường mơ hồ, không thể xác minh. Họ có thể dùng tên ảo, hình ảnh lấy từ nơi khác, thậm chí dựng cả câu chuyện thành công để đánh vào tâm lý người đọc.
Cuối cùng, nhiều bài đăng cố tình lồng ghép học bổng với các dịch vụ tư vấn hoặc phí xử lý hồ sơ. Khi người đọc liên hệ, họ sẽ được hướng dẫn chuyển khoản phí giữ chỗ, xác nhận hồ sơ với lời hứa giúp đậu học bổng, nhưng thực chất đây là các khoản thu không minh bạch từ các đối tượng trục lợi”, ThS Ngọc chia sẻ.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng xác định, các chiêu lừa đảo này là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thông tin và tài chính của sinh viên. ThS Trương Quang Trị cho hay, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép vào giờ cố vấn học tập nhằm giúp sinh viên nhận diện các hình thức lừa đảo, đồng thời trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi gặp phải.
Bên cạnh đó, tất cả chương trình học bổng, trao đổi sinh viên quốc tế do trường triển khai được công bố minh bạch trên website ntt.edu.vn và gửi qua email có đuôi @ntt.edu.vn. Nhà trường khuyến cáo sinh viên tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nếu không có xác nhận chính thức từ nhà trường.
“Về phía sinh viên, điều quan trọng nhất phải giữ sự tỉnh táo, kiểm chứng kỹ thông tin trước khi phản hồi bất kỳ lời mời nào liên quan học bổng, trao đổi quốc tế hay chương trình tài trợ. Một thư mời chính thức sẽ luôn đi kèm quy trình rõ ràng, đơn vị liên hệ minh bạch và tuyệt đối không thúc ép chuyển tiền gấp vào tài khoản lạ”, ông Trị nói.
Trường hợp nhận được lời mời, sinh viên nên đối chiếu ngay với Phòng Hợp tác Quốc tế hoặc Phòng Công tác Sinh viên để được xác minh. Đồng thời, cần cảnh giác: Không cung cấp mã OTP, không truy cập các đường link không rõ nguồn gốc và không đăng tải hình ảnh thẻ sinh viên, căn cước công dân trên mạng xã hội. “Trong môi trường số, chỉ một sơ suất nhỏ về dữ liệu cá nhân cũng có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng”, ThS Trị khuyến cáo.
Mới đây, Bộ GD&ĐT gửi văn bản đến các sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nhằm cảnh báo về tình trạng lừa đảo liên quan đến các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và du học.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người học, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị: Thông tin cảnh báo, tuyên truyền đến học sinh, sinh viên về các hành vi lừa đảo liên quan đến chương trình trao đổi học sinh, sinh viên, học bổng quốc tế thông qua các kênh truyền thông chính thức của nhà trường. Đồng thời, Bộ GD&ĐT khuyến cáo học sinh, sinh viên tra cứu thông tin học bổng, du học từ các nguồn chính thống và đáng tin cậy.
Tái định vị vai trò và năng lực nguồn nhân lực ngân hàng
GD&TĐ - Mô hình ngân hàng số công nghệ không triệt tiêu vai trò con người mà trở thành công cụ hỗ trợ giúp tối ưu hóa hiệu suất, nâng cao chất lượng.
a day ago
Chuyển đổi tất yếu kỳ thi dành cho học sinh lớp 12
GD&TĐ - Từ 1975 đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua gần chục lần cải cách, đổi mới lớn về đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
a day ago
Tháo gỡ bất cập, tạo đà đổi mới cho giáo dục đại học
GD&TĐ - Sáng 1/7, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
a day ago
Phim 'Love in Vietnam' thắp sáng màn ảnh Đà Nẵng
(CLO) Trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF 2025), tối 1/7/2025, tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng diễn ra buổi công chiếu đặc biệt bộ phim "Love in Vietnam". Đây là bộ phim hợp tác sản xuất đầu tiên giữa Ấn Độ và Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia.
a day ago
Nhiều chính sách đột phá từ Luật Nhà giáo
GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Phòng), Luật Nhà giáo có nhiều chính sách đột phá, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo.
a day ago
Trường Đại học Luật, Đại học Huế quyết tâm trở thành cơ sở đào tạo giáo dục đại học uy tín, thương hiệu quốc tế
Trường Đại học Luật, Đại học Huế không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn chính sách nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực pháp luật của quốc gia.
a day ago
Hà Nội ổn định tuyển sinh đầu cấp trong bối cảnh bộ máy chính quyền mới vận hành
GD&TĐ - Công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội diễn ra thuận lợi, ổn định, dù đơn vị hành chính và cơ cấu quản lý giáo dục đã có sự thay đổi.
a day ago
Hà Nội dự kiến công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 trong ngày 4/7
GD&TĐ - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến công bố điểm thi và điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 vào ngày 4/7.
a day ago
Dấu ấn mùa thi
GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng trên hết, kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, khách quan, gọn nhẹ và hiệu quả.
a day ago
Tân Hoa hậu Việt Nam 2024 tiết lộ lý do rẽ hướng khỏi ngành kiến trúc
(CLO) Trong buổi giao lưu mới đây, Hoa hậu Việt Nam 2024 Hà Trúc Linh thẳng thắn chia sẻ về những áp lực khi kế nhiệm vương miện, hành trình lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân và định hướng phát triển trong tương lai.