11 ngày nằm viện, bắt đầu từ những cơn sốt kéo dài, chướng bụng khó chịu, bà Loan sống tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng mơ hồ về bệnh tình. Sau khi được chuyển từ bệnh viện tỉnh xuống Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ xác định bà mắc sởi – một căn bệnh tưởng chừng đã lùi xa khỏi cộng đồng người lớn.
Sự thật là bệnh sởi đang quay trở lại. Và không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn đặc biệt là người có bệnh nền đang trở thành nạn nhân nghiêm trọng nhất.
PGS TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, từ năm 2024 đến nay, viện đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp người lớn mắc sởi nhập viện. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nặng, nhiều người gặp biến chứng như viêm phổi, viêm não, thậm chí phải lọc máu, hồi sức tích cực.
“Không ít người nhầm tưởng sởi là bệnh ‘con nít’. Nhưng thực tế, người lớn nhất là những người chưa từng tiêm vắc-xin, hoặc đã tiêm từ nhỏ nhưng miễn dịch đã suy giảm vẫn hoàn toàn có thể mắc bệnh, thậm chí rất nặng,” bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Theo ông, nhiều bệnh nhân sởi là người có bệnh nền như lupus ban đỏ, ung thư, cơ địa suy giảm miễn dịch – những yếu tố khiến virus sởi trở nên đặc biệt nguy hiểm. Không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây qua đường hô hấp và có khả năng phát tán rất nhanh trong cộng đồng. Triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cúm: sốt cao, ho, nghẹt mũi, sau đó nổi ban toàn thân, ho dữ dội, sợ gió, khó thở ở những ca nặng.
Hiện không có thuốc đặc trị sởi, điều trị chủ yếu là hỗ trợ triệu chứng, phòng ngừa biến chứng. Vì vậy, phát hiện sớm và tiêm phòng là giải pháp duy nhất để ngăn ngừa bệnh.
“Một trong những sai lầm phổ biến là chờ theo dõi, nghĩ rằng người lớn không cần tiêm lại. Nhưng thực tế, miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian. Người lớn nhất là trong mùa dịch hiện nay cần chủ động tiêm nhắc lại vắc-xin sởi,” bác sĩ Cường khuyến cáo.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Phòng, chống bệnh – Cục Y tế Dự phòng, tính đến hết tuần 17 (19–25/4/2025), cả nước ghi nhận 3.942 trường hợp nghi mắc sởi, giảm nhẹ 4,3% so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có tới 81.691 ca nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố – một con số khiến giới chuyên môn lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.
Tình trạng gia tăng số ca bệnh, đặc biệt ở người lớn, phản ánh rõ ràng lỗ hổng trong miễn dịch cộng đồng và tâm lý chủ quan về bệnh sởi.
Để phòng ngừa sởi hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo người dân – không phân biệt độ tuổi – cần: Chủ động tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm nhắc lại nếu đã tiêm cách đây nhiều năm. Khi có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, nổi ban, nên đến cơ sở y tế sớm để kiểm tra. Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi mắc sởi, đeo khẩu trang nơi công cộng. Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống.