Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, yêu cầu khẩn trương kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phép hoạt động và quá trình quản lý Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng, sau khi cơ sở này bị phát hiện có nhiều dấu hiệu lừa đảo, "vẽ bệnh", nâng giá dịch vụ nhằm moi tiền người bệnh.
Theo Bộ Y tế, hành vi vi phạm của cơ sở này đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân đối với hệ thống y tế.
Do đó, Sở Y tế Đà Nẵng được yêu cầu rà soát quy trình cấp phép hoạt động của phòng khám nêu trên. Báo cáo rõ phương án xử lý theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn để ngăn chặn sai phạm tương tự.
Văn bản báo cáo phải gửi về Bộ Y tế thông qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 23/7/2025.
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng (địa chỉ: 180 Trần Phú, quận Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi “lừa dối khách hàng”.
Theo điều tra, phòng khám hoạt động dưới pháp nhân Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng, chuyên thực hiện các dịch vụ điều trị nam khoa, phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục, phá thai…
Tuy nhiên, thay vì khám chữa bệnh đúng quy định, nhóm đối tượng đã dựng lên một kịch bản “làm tiền tinh vi” như tuyển dụng bác sĩ “giả” – một số không có bằng cấp, thậm chí chưa học hết lớp 12 – để trực tiếp khám, chẩn đoán, ra y lệnh. Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chỉ đứng tên trên giấy, hầu như không trực tiếp khám chữa bệnh. Khi có đoàn kiểm tra, bác sĩ giả được yêu cầu trốn khỏi hiện trường theo lối thoát bí mật, nhường chỗ cho bác sĩ có chứng chỉ hợp pháp để đối phó.
Cơ quan điều tra xác định, phòng khám đã chỉ đạo nhân viên “vẽ bệnh”, đưa ra chẩn đoán sai lệch, gây hoang mang để buộc khách hàng lựa chọn các gói điều trị có giá từ 5 đến 30 triệu đồng – cao hơn rất nhiều so với chi phí thực tế.
Nếu bệnh nhân chọn gói thấp, nhân viên sẽ cố tình gây đau đớn, dọa biến chứng, ép chuyển sang gói dịch vụ cao hơn. Hàng loạt chiêu trò mồi chài, đe dọa, thổi phồng bệnh tình đã được triển khai bài bản, lặp lại với nhiều nạn nhân.
Tính đến nay, đã có ít nhất 17 người bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 376 triệu đồng.
Công an TP Đà Nẵng cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời kêu gọi người dân từng là nạn nhân của phòng khám này đến trình báo.
Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong quản lý khám chữa bệnh ngoài công lập, đặc biệt là tại các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài hoặc vốn đầu tư không minh bạch.
Bộ Y tế khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố để siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, không để tái diễn tình trạng “buôn bán nỗi sợ bệnh tật”, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tài chính của người dân.